Các bạn nhỏ hào hứng trải nghiệm hoạt động làm gốm tại Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (xã Đông Thịnh, Đông Sơn).
Du lịch nông nghiệp được xem là một loại hình phát triển du lịch bền vững bởi những lợi ích mà loại hình này mang lại cho ngành du lịch, nông nghiệp và cộng đồng vùng nông thôn. Ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, nội dung phát triển sản phẩm du lịch nêu rõ: Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch; trong đó có việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm.
Với tiềm năng, lợi thế vốn có, Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác “mỏ vàng” này nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh… Đặc biệt, sự phát triển của loại hình du lịch nông nghiệp tạo nguồn động lực, kích thích, thu hút các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực còn tồn tại nhiều “cái khó” này.
Ví như cách mà anh Lê Xuân Tưởng và các cộng sự từng bước vượt qua khó khăn, đầu tư xây dựng nên Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn). Đây là một mô hình trang trại kết hợp các yếu tố nông nghiệp, giáo dục và du lịch với mục đích “tạo ra môi trường học tập mà bất kỳ ai khi đến đây đều có thể học một cách tự nguyện, hiệu quả trên cơ sở trải nghiệm thực tế”.
Trang trại có cảnh quan du lịch đẹp, sinh động, thân thiện, hấp dẫn, gồm nhiều phân khu: khu nhà màng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, các phân khu nuôi ngựa bạch, đà điểu, chim công và nhiều con nuôi đặc sản, kết hợp khu vui chơi giải trí ngoài trời… Không bó hẹp trong một số hoạt động tham quan, trải nghiệm đơn điệu, tẻ nhạt, du khách khi đến với Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T–Farm sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên xanh mát, trong lành và “quẩy hết mình” với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích nằm trong nội dung chương trình trải nghiệm được xây dựng theo từng tháng và từng chủ đề phù hợp như: trồng cây bằng vật dụng tái chế, kỹ năng đi cầu khỉ không bị ngã, kỹ năng làm việc nhóm thông qua các trò chơi team building… Giáo dục hướng nghiệp bao gồm các hoạt động trải nghiệm thực tế: làm gốm, vẽ tranh, thí nghiệm hóa học, soi kính hiển vi, đầu bếp nhí… và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị khác như: bắt cá ao cạn, thu hoạch rau, thu hoạch trứng, bịt mắt bắt vịt, tát nước bằng gầu sòng, khám phá đảo nàng tiên cá, vườn chim quý…
Đặc biệt, trang trại tổ chức tham quan, trải nghiệm một số hoạt động sản xuất nông nghiệp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao để du khách, nhất là các em nhỏ được tìm hiểu quá trình sinh trưởng và phát triển, thực hành thu hoạch sản phẩm. Tại khu nhà màng, theo từng mùa, vụ, trang trại sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau như: dưa Kim Hoàng Hậu, rau màu, hoa hướng dương cắt cành Sakata Nhật Bản, cúc pha lê… Chính sự đa dạng, sáng tạo về các hoạt động vui chơi, giáo dục dựa trên nền tảng khuyến khích sự trải nghiệm của chính bản thân du khách đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng biệt của Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T–Farm so với nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch khác. Do đó, trang trại thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, ưu tiên lựa chọn trải nghiệm cho các du khách, gia đình, trung tâm, trường học, các doanh nghiệp mỗi dịp nghỉ lễ, tết hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa…
Trong những năm gần đây, du lịch nông nghiệp xứ Thanh có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị như: Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương), Nông trại Bò Vàng (Nông trại Golden Cow), Nông trại Hón Mũ (Thường Xuân), Nông trại Ánh Dương (Yên Định)… Song song với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), một số địa phương trong tỉnh cũng đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng được lợi thế của mình để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch như: Mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch sinh thái – nông trại; du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động sản xuất… Các mô hình này không chỉ tạo nên môi trường vui chơi, học tập đa dạng, an toàn, bổ ích, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau mà nó còn góp phần giải quyết các vấn đề về thiếu thị trường tiêu thụ trong ngành nông nghiệp, tạo ra việc làm tại các vùng nông thôn; gia tăng giá trị và thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân; phát triển kinh tế địa phương; tạo nguồn lực mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới… Về giá trị văn hóa – lịch sử, du lịch nông nghiệp góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh tới mọi miền đất nước và quốc tế.
Mặc dù đã có những bước phát triển, tuy nhiên, du lịch nông nghiệp xứ Thanh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ. Hơn hết, các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao. Để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của xứ Thanh trong phát triển du lịch nông nghiệp, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích mô hình này phát triển; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch, cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên và môi trường văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng thành công, có hiệu quả mô hình du lịch với sự tham gia chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau giữa những người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý hoạt động nông nghiệp – văn hóa – du lịch – thương mại. Cùng với việc đổi mới tư duy, cách làm, khi các bên mạnh dạn trao nhau “cái bắt tay” chặt chẽ, thân thiện, hài hòa về mặt lợi ích sẽ là “đòn bẩy” đưa du lịch nông nghiệp xứ Thanh “cất cánh”.