(Baothanhhoa.vn) – Khéo léo kết hợp các yếu tố nông nghiệp, giáo dục và du lịch trong một mô hình trang trại là ý tưởng độc đáo, mới mẻ nhưng không phải dễ dàng gặt hái được thành công. Anh Lê Xuân Tưởng đã phải trải qua quá trình “thai nghén”, ấp ủ suốt hơn 20 năm trời đằng đẵng mới có thể thực hiện được giấc mơ về một trang trại giáo dục – “nơi tạo ra môi trường học tập mà bất kỳ ai khi đến đây đều có thể học một cách tự nguyện, hiệu quả trên cơ sở trải nghiệm thực tế”.
Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T – farm (thôn Đà Ninh, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) được anh Tưởng bắt tay vào xây dựng từ năm 2001. Thời điểm ấy, anh Tưởng là “thủ lĩnh” của Công ty CP Thiết bị và Hóa chất Thăng Long (Hà Nội) chuyên hoạt động trong các lĩnh vực: Phân tích hóa học, dược phẩm, sinh dược; an toàn thực phẩm; giáo dục và đào tạo; phân tích và quan trắc môi trường; công nghệ sinh học; y học, lâm sàng; khoa học hình sự; khoa học đời sống… Ngần ấy quãng thời gian anh Tưởng và gia đình lăn lộn lập nghiệp nơi đất khách quê người; chấp nhận quăng quật mình giữa thương trường khắc nghiệt cũng không thể làm nguôi ngoai trong lòng anh ý chí quyết tâm, nỗ lực, khát khao xây dựng trang trại giáo dục trên chính mảnh đất đã từng sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn khôn. Hiện thực hóa ước mơ, anh Tưởng quyết định thuê lại một phần đất nông nghiệp tại cánh đồng thuộc xã Đông Thịnh để xây dựng trang trại. Đứng trước ý tưởng có phần táo bạo và nguồn vốn không hề nhỏ phải “đổ vào” mảnh đất khô cằn ấy, nhiều người tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của dự án. Biết đến bao giờ đất cằn mới có thể nở hoa? Với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, liệu khi nào mới thu hồi lại được? Trong quá trình xây dựng trang trại, anh Tưởng phải đối mặt với rất nhiều lời can ngăn, “bàn ra tán vào”. Nhưng bản lĩnh của người đàn ông từng trải, niềm tin về giấc mơ đã dày công ấp ủ, vun vén khiến anh Tưởng vượt qua hết thảy những khó khăn, vất vả để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê đến cùng. Từ năm 2001 đến nay, cùng với sự nỗ lực của anh Tưởng và các cộng sự, diện mạo của Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm dần hoàn thiện, đi vào hoạt động.
Với tổng diện tích hơn 20ha, từ những thửa ruộng trồng lúa năng suất thấp, anh Tưởng đã xây dựng hệ thống kênh mương hơn 3km bao quanh khu vực trang trại, gần 1ha nhà màng trồng dưa công nghệ cao. Bên cạnh đó là các phân khu nuôi ngựa bạch, đà điểu, chim công và nhiều con nuôi đặc sản, kết hợp khu vui chơi giải trí ngoài trời, hệ thống khuôn viên cây xanh, đã tạo nên một cảnh quan du lịch thân thiện, hấp dẫn… Không bó hẹp trong một số hoạt động tham quan, trải nghiệm đơn điệu, tẻ nhạt, du khách khi đến với Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T – farm sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên xanh mát, trong lành và “quẩy hết mình” với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích nằm trong nội dung chương trình trải nghiệm được xây dựng theo từng tháng và từng chủ đề phù hợp. Nếu du khách hứng thú với các hoạt động phát triển cá nhân thì có thể tham gia: Trồng cây bằng vật dụng tái chế; tham quan trải nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao để được tìm hiểu quá trình sinh trưởng và phát triển, thực hành thu hoạch dưa vàng Kim hoàng hậu; kỹ năng đi cầu khỉ không bị ngã; khám phá kỹ năng tư duy sáng tạo thông qua các bài học về cây rau má, cách dùng bột rau má để bổ sung vào phôi xà phòng để tăng tác dụng dưỡng da, sáng tạo hình dáng dễ thương cho viên xà phòng và được mang sản phẩm mình làm về nhà; kỹ năng làm việc nhóm thông qua các trò chơi team building… Giáo dục hướng nghiệp bao gồm các hoạt động trải nghiệm thực tế: Làm gốm, vẽ tranh, thí nghiệm hóa học, soi kính hiển vi, đầu bếp nhí… và nhiều hoạt động vui chơi thú vị khác như: Bắt cá ao cạn, thu hoạch rau, thu hoạch trứng, bịt mắt bắt vịt, tát nước bằng gầu sòng, khám phá đảo dê…
Chính sự đa dạng, sáng tạo về các hoạt động vui chơi, giáo dục dựa trên nền tảng khuyến khích sự trải nghiệm của chính bản thân du khách đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng biệt của Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T – farm so với nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch khác. Bởi vậy, mặc dù mới khánh thành giai đoạn 1 và chính thức đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T – farm đã thu hút được lượng khách du lịch đáng kể, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương. Hoạt động chăn nuôi, trồng trọt thực tế đã mang lại giá trị nông sản cung cấp nguồn lương thực cho du khách có nhu cầu thưởng thức ẩm thực tại trang trại. Sản phẩm dưa vàng Kim hoàng hậu trồng trong hệ thống nhà màng tại trang trại được kiểm tra mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung tâm phân tích, nghiên cứu và chứng nhận T-lab (Công ty CP Thiết bị và hóa chất Thăng Long). Trang trại thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, ưu tiên lựa chọn trải nghiệm cho các du khách, gia đình, trung tâm, trường học, các doanh nghiệp mỗi dịp nghỉ lễ, tết hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa… Chị Nguyễn Thị Hiền – Quản lý Trường mầm non Hoa Mai (Thiệu Hóa) hào hứng chia sẻ: “Qua thông tin quảng cáo trên facebook, nhà trường đã liên hệ xuống tận nơi tìm hiểu về trang trại và cảm thấy rất hài lòng với cảnh quan thiên nhiên, chương trình trải nghiệm tại Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T – farm. Chính vì thế, ngay sau khi tìm hiểu kỹ càng, nhà trường quyết định chọn nơi này làm địa điểm tổ chức buổi ngoại khóa cho các bé”. Chị Hiền khẳng định thêm: “Chúng tôi sẽ còn quay trở lại nông trại trong các kế hoạch hoạt động ngoại khóa sắp tới của nhà trường”.
Xác định tầm nhìn là “xây dựng một hệ sinh thái đứng đầu liên tục phát triển để phù hợp thúc đẩy phát triển con người, xã hội và môi trường. Là điểm đến, nghĩ đến của hệ thống giáo dục, cá nhân và gia đình”. Nhằm thực hiện sứ mệnh của một “mô hình kinh doanh phi lợi nhuận, hệ sinh thái giáo dục vì cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, tiểu học và phổ thông cơ sở”, anh Tưởng mong muốn đầu tư, phát triển Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T – farm lớn mạnh hơn nữa, trở thành điểm tựa kết nối với trường liên cấp nội trú quốc tế sẽ được anh triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới. Với mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp giáo dục và du lịch này không chỉ tạo nên môi trường vui chơi, học tập đa dạng, an toàn, bổ ích, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau mà nó còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; tạo nguồn lực mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh: Thảo Linh